Hồ Điệp Song Đao


Hồ Điệp Song Đao (giản thể: 蝴蝶双刀; phồn thể: 蝴蝶雙刀; Bính âm Hán ngữ: húdié shuāngdāo), là một loại đao ngắn (hay còn gọi là kiếm một cạnh), có nguồn gốc từ vùng phía nam của Trung Quốc, người phía bắc cũng hay sử dụng loại vũ khí này.
Hồ Điệp Song Đao rất dễ trang bị và sử dụng, có thể giấu nó dưới ống tay áo và giày và dễ xoay trở hơn khi đánh cận chiến trong những chỗ chật hẹp. Hồ Điệp Song Đao thường được cầm theo cặp, người sử dụng thường đặt chúng ở cạnh nhau trong cùng một vỏ kiếm để làm người khác lầm tưởng đây là một thanh kiếm.
Hồ Điệp Song Đao có một cánh đốc kiếm nhỏ để bảo vệ bàn tay của người cầm, giống như vũ khí Sai của người Nhật khi cũng được sử dụng để chặn và móc vào vũ khí của đối thủ. Một số chúng còn được thiết kế phần cánh đốc kiếm to ra và được sử dụng như một dụng cụ hỗ trợ cầm nắm chuyên biệt, khi đó thì chúng có thể đóng vai trò như một cặp Quải. Ngoài ra, Hồ Điệp Song Đao còn có thể được sử dụng như một cặp Tay Gấu trong trường hợp không có vũ khí nào khả dụng.
Thông thường thì lưỡi đao của Hồ Điệp Song Đao chỉ được mài nửa cạnh - từ giữa lưỡi đến đầu; Thấy rõ nhất qua tất cả các mẫu vật cổ điển từ triều nhà Thanh. Lưỡi đao từ trung điểm trở xuống được mài cùn lại để thực hiện những đòn tấn công không gây sát thương cao và phòng thủ và hơn nữa là không gây thiệt hại đến lưỡi đao chính. Hồ Điệp Song Đao thường được những võ sư sử dụng và nó không phải vũ khí được sản xuất hàng loạt, vì vậy mỗi bộ đao đều có dáng vẻ khác nhau, tuy vậy độ dài của chúng thì như nhau, một lưỡi đao trung bình dài khoảng 11½" (11½ inch = 29.21 cm) và tay cầm dài 6" (6 inch = 15.24 cm).
Hồ Điệp Song Đao thường được gọi là 'butterfly knives' trong tiếng Anh. Tuy nhiên, khi dùng từ này cần phân biệt nó với con đao gấp balisong của Philippines, và nó cũng được gọi bằng cái tên “butterfly knife” (Hồ Điệp Đao theo tiếng Hán). Từ “đao” trong tiếng Trung Quốc được dùng để chỉ bất kỳ lưỡi đao nào có chức năng chính là cắt, bất kể chiều dài của lưỡi đao đó như thế nào. Một số môn võ thuật ở Trung Hoa, điển hình như Vịnh Xuân quyền, thì Hồ Điệp Song Đao còn được biết dưới cái tên là “Bát Trảm Đao” (theo tiếng Quảng Châu).
Hồ Điệp Song Đao được sử dụng trong các môn võ thuật ở Trung Hoa, điển hình nhất là các môn võ như Vịnh Xuân quyền, Hồng Gia quyền, Thái Lý Phật. Trong môn võ Vịnh Xuân quyền, một điểm đáng chú ý là các đòn tấn công sử dụng Hồ Điệp Song Đao chính là nguyên lý căn bản cho tất cả mọi thế võ sử dụng vũ khí khác. Có nghĩa là bất kể mọi đồ vật nào được một môn sinh của môn võ Vịnh Xuân quyền sử dụng đều sẽ theo những động tác ra đòn của Hồ Điệp Song Đao, bởi vì việc sử dụng Hồ Điệp Song Đao trong môn võ này đơn giản giống như những kỹ năng đối kháng bằng tay không và thêm phần biến hóa hơn mà thôi.
Cấu trúc của loại vũ khí này, bao gồm hình dáng của cánh đốc kiếm, phần lưỡi đao và độ dài của nó đều được thiết kế sao cho phù hợp với từng loại võ thuật, những môn võ gia truyền khác và các võ sư. Minh chứng rõ nhất ở các môn võ truyền thống, các môn sinh của những môn võ này lật ngược cây đao lại ra phía sau giống như Sai và như vậy thì cần phải có một cánh đốc kiếm phù hợp để thực hiện việc này. Một số môn võ khác sử dụng Hồ Điệp Song Đao để khóa chặt đòn tấn công bằng vũ khí của đối thủ như gậy và đao, vì thế họ cần phải có một cánh đốc kiếm dài hơn và phù hợp với tay cầm để có thể lật ngược cây đao lại phía sau. Một số môn phái thích những cánh đốc kiếm mang phong cách riêng biệt và được thiết kế có thể vừa hất ngược cây đao ra phía sau và vừa có thể phòng thủ, tuy vậy thì đến giờ vẫn chưa có thanh đao nào đáp ứng được cùng lúc cả hai yêu cầu này.
Một số loại Hồ Điệp Song Đao có một lưỡi đao dài hẹp dùng để đâm. Trong khi những thanh đao có lưỡi sắc bén được biết dưới cái tên đao “Xích Thuyền” (Con thuyền đỏ) được các nhà cách mạng Trung Hoa sử dụng trong môn võ Vịnh Xuân quyền lúc xưa, thì những môn sinh của môn võ Vịnh Xuân quyền bây giờ có xu hướng sử dụng những thanh Hồ Điệp Song Đao có thân đao rộng hơn, thích hợp để chẻ và chém. Dù với những biến đổi về hình dáng như vậy, những môn sinh của môn võ Vịnh Xuân quyền dùng Hồ Điệp Song Đao chỉ để tự vệ chứ không vì mục đích triệt hạ đối phương. Những thanh đao này thường có mũi đao lưỡi liềm, thích hợp để chẻ và chém, nhưng không thể dùng để đâm được hoặc có đường cong sâu hơn để thích hợp cho tất cả các việc trên.
Chiều dài thích hợp của lưỡi đao chính là sự kết hợp của độ dài đao theo từng môn phái và của từng võ sư sở hữu nó. Với môn võ Hồng Gia quyền, độ dài của Hồ Điệp Song Đao dài hơn khuỷu tay vài inch một chút lúc thanh đao được lật ngược ra phía sau. Vịnh Xuân quyền thường sử dụng những bài biểu diễn quyền của mình bằng cách xoay thanh đao trong tư thế cầm ngược từ phía ngoài của cánh tay đến bắp tay. Một số trường phái Vịnh Xuân quyền khác thì xoay đao từ phía ngoài của bắp tay.
Rất nhiều môn phái võ thuật ở Trung Quốc sử dụng Hồ Điệp Song Đao vì sự linh hoạt trong cả tấn công và phòng thủ của nó hơn hẳn bất cứ vũ khí nào, hơn thế nữa nó còn có nhiều công dụng khác chứ không đơn thuần là một vũ khí thông thường.

                  Được dịch và tổng hợp bởi: Lambdadelta Umineko


Cảm phiền xin phép trước khi share ở đâu đó

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[ARCHIVE] CHUNG KẾT CHAMPIONS LEAGUE 2018-2019 REVIEW

Ngọn giáo của Ngô Vương Phù Sai